Dubai

Thần kỳ Dubai

Nhắc đến Dubai hẳn ai cũng nghĩ đó là đất nước của những thành phố đồ sộ và  hàng trăm tỉ phú dầu mỏ – nhưng không,  Tổng sản lượng quốc gia của họ tăng 16% (2007), trong đó dầu mỏ chỉ còn chiếm 8% và đến 2010 sẽ còn 1%.

Đó là đất nước của của những con người thần kỳ!

Bờ Đông của Địa Trung Hải là một vùng đất thiêng liêng nhất của địa cầu. Đây là nơi hình thành và phát triển của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Từ đây đi về phía Đông chưa đầy ngàn cây số người ta sẽ đến một cái nôi của nền văn minh nhân loại, đó là vùng đất Lưỡng Hà (Mesopotamia). Như tên gọi, Lưỡng Hà là vùng châu thổ nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, miền đất hầu như huyền thoại của các thành phố cổ Akkad, Babylon. Khách mơ ước được thăm vườn treo Babylon, được xây dựng khoảng 600 năm trước Công nguyên, là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Tiếc thay những vùng đất lạ lùng đó lại nằm trong lãnh thổ Iraq, hiện nay là một nơi nhiều tai ương nhất của loài người.
Nền văn minh và các tôn giáo của Trung Đông đã phát triển mạnh về phía Tây để đến châu Âu, về phía Đông để vươn đến Ấn Độ, Trung Quốc. Từ đó đi về hướng Đông Nam, kẻ bộ hành ngày xưa sớm gặp một vùng biển hẹp, được mệnh danh là vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Thật vậy, vùng Vịnh là con đường từ châu Âu đi Ấn Độ ngắn nhất trong thời cổ đại, cho nên đó là con đường giao thông huyết mạch của nhiều thiên niên kỷ. Khoảng thế kỷ 20, người ta phát hiện thêm một yếu tố khác tại Trung Đông, đó là dầu mỏ với trữ lượng cao nhất thế giới. Thứ vàng đen này có lẽ vừa là vận may vừa là tai họa cho vùng Trung Đông. Từ đó về sau, khi dầu mỏ đóng một vai trò trung tâm trong công nghiệp hóa thế giới, Trung Đông là điểm ngắm của tất cả các cường quốc kinh tế và quân sự. Hiện nay lượng dầu thô được chuyển từ Trung Đông, đi qua vùng Vịnh, đến tất cả các nơi tiêu thụ chiếm khoảng 25% tổng lượng dầu được sản xuất. Mỗi ngày các chuyến tàu khổng lồ mang một lượng dầu trị giá chừng một tỉ đô la “lách” qua eo biển nhỏ hẹp Hormuz để ra Ấn Độ Dương.
Cách đây hơn một thế kỷ, trên những chuyến thương thuyền đi qua vùng Vịnh hẳn chưa mấy ai chú ý đến một xóm chài nhỏ nằm cách mũi Hormuz chưa đầy 200 cây số về phía Tây. Xóm nghèo vì không có đất canh tác, sát biển đã là sa mạc mênh mông, hoàn toàn thiếu cây cối và nước ngầm. Thổ dân sống trong sa mạc, những người quen mặc áo dài trắng đến tận gót, được gọi là Bedouin, chỉ biết sinh tồn bằng cách uống sữa lạc đà và ăn một thứ trái cây tên gọi là chà là. Cây chà là (date palm) khá giống cây dừa, trái treo từng chùm như buồng cau, cho trái rất ngon ngọt và bổ dưỡng. Niềm ước mơ của dân sa mạc là có được bóng cây, mạch nước, chúng tạo thành một vùng đất xanh tươi mà họ gọi là Oasis (ốc đảo). Ốc đảo là thiên đường của dân sa mạc, là chỗ ra đi và là chốn trở về của tất cả các đoàn lữ khách của người và thú.
Xóm nghèo nọ nằm bên bờ cửa biển Creek, sau lưng mình là sa mạc, cát màu vàng đậm, có nơi màu đỏ. Gần biển nhưng cũng gần sa mạc nên vùng này hầu như không biết mưa là gì, từ trên cao mặt trời hắt xuống một sức nóng khủng khiếp, mùa hè nhiệt độ có thể lên trên 50 độ C. Vùng đất khô hạn này tên gọi là Dubai.
Thổ dân Dubai ngày xưa không biết làm gì hơn là đánh cá, xúc hào và nhất là mò ngọc trai. Nghề mò ngọc trai không phải là không hiểm nguy, người lặn phải đeo thêm đá và ở dưới nước ít nhất hai phút. Thế nhưng đó là đường sống duy nhất của dân Dubai thời ấy. Khoảng giữa thế kỷ thứ 19, vì tranh chấp với một tiểu vương lân cận, Dubai tự nguyện nhận Anh làm nước bảo hộ và giữ một chính sách cởi mở với phương Tây. Chính sách này kéo dài đến ngày nay và là nhân tố chủ yếu cho sự phát triển kỳ diệu của Dubai.
Mơ ước của Dubai không phải chỉ thoát khỏi thân phận nghèo khổ của thổ dân sa mạc. Ngày nay Dubai là khu vực xây dựng nhanh chóng và quy mô nhất toàn cầu. Họ biết rất rõ mình đã theo đuổi một chính sách phát triển đúng đắn và có một vị trí trung tâm trên thế giới, nhất là về hàng không.

Với thời gian, ngọc trai Dubai trở thành nguồn xuất khẩu chủ yếu. Đồng thời với chính sách ngoại giao rộng rãi, Dubai trở thành một trung tâm thương mại tại vùng Vịnh. Năm 1971, Anh trao trả độc lập cho Dubai và trong thời gian đó Dubai cùng các tiểu vương lân cận hợp nhau thành lập nước United Arab Emirates (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất). Khoảng giữa thế kỷ thứ 20 khi kỹ nghệ ngọc trai bắt đầu đi xuống, người ta bắt đầu khám phá dưới lớp cát cháy da của sa mạc có một thứ chất lỏng đặc biệt. Năm 1966 dầu mỏ được tìm thấy tại Dubai. Vị tiểu vương Dubai tuyên bố sẽ dùng lợi nhuận dầu mỏ để đem lại phồn vinh cho thần dân của mình. Vị tiểu vương và con cháu của ông giữ lời hứa đó. Và đó là nhân tố thứ hai giúp Dubai được như ngày hôm nay.

Mấy mươi năm sau, Dubai vươn lên trở thành một tiểu quốc giàu nhất nhì thế giới, tính theo thu nhập đầu người. Không những thế, họ còn cung cấp công ăn việc làm cho người nước ngoài. Tổng cộng dân số của Dubai chỉ 1,4 triệu người, khoảng 85% trong đó là dân nhập cư, họ làm đủ mọi thứ nghề, nhất là dịch vụ và xây dựng. Người dân bản xứ được nhà vua cấp miễn phí nhà ở, phương tiện giao thông, điện nước, toàn bộ phí tổn trong ngành giáo dục và y tế. Các vị tiểu vương Dubai đã học xong bài học ngọc trai, họ không đợi dầu mỏ cạn kiệt mới đổi chính sách kinh tế. Họ chỉ dùng dầu mỏ để mở hướng đi lên và ngày nay Dubai sống bằng những dịch vụ khác như thương mại, du lịch. Tổng sản lượng quốc gia của họ tăng 16% (2007), trong đó dầu mỏ chỉ còn chiếm 8% và đến 2010 sẽ chỉ còn 1%.
Mơ ước của Dubai không phải chỉ thoát khỏi thân phận nghèo khổ của thổ dân sa mạc. Ngày nay Dubai là khu vực xây dựng nhanh chóng và quy mô nhất toàn cầu. Họ biết rất rõ mình đã theo đuổi một chính sách phát triển đúng đắn và có một vị trí trung tâm trên thế giới, nhất là về hàng không. Nếu ta quay xung quanh Dubai một vòng tròn với bán kính 6.400 ki lô mét, khoảng 8 giờ bay, vòng tròn sẽ bao trùm khoảng 3,5 tỉ người, tức là hơn một nửa dân số toàn cầu. Vì lý do đó, họ đang xây dựng sân bay lớn nhất thế giới và phát triển ngành du lịch với những dự án đáng kinh ngạc.
Nhưng Dubai cũng không hề quên niềm ước mơ tiền kiếp của mình. Làng chài ngày xưa, bên cạnh cửa biển Creek được ghi dấu bằng viện bảo tàng Dubai để nhớ lại một thời hàn vi, với tượng hình, cảnh quan hết sức sinh động của cuộc sống sa mạc. Nơi đây ta biết rõ giấc mơ của họ là xây dựng những ốc đảo xanh tươi có nước ngọt, có bóng mát, có cây cối, có thú vật. Họ chung thủy với quá khứ của mình. Đã cây thì phải là cây chà là vì chà là đã nuôi sống họ, đã chim thì phải là chim ó vì ó là kẻ ngày xưa đã cùng đi săn với họ, đã thú thì phải là lạc đà vì lạc đà là bạn đồng hành cùng nhịn khát với họ. Tất nhiên họ không thể quên biển cả vì biển đã ngàn năm cưu mang dân tộc họ. Những ước mơ đó đã được thực hiện và thực hiện một cách thừa thãi. Nước ngọt ngày nay không hề thiếu tại một nơi mà sa mạc giáp mí với biển. Họ dùng nhiệt năng lọc nước biển thành nước ngọt. Họ quý chim ó hơn xa những chiếc xe thể thao đắt tiền, họ có bệnh viện độc nhất trên thế giới chuyên chữa trị cho chim ó. Tại Dubai có khoảng 60.000 cây chà là xanh tươi, chúng được nhập cảng từ Iran, hàng ngày chờ được tưới bằng thứ nước ngọt nọ vì ở đây không bao giờ mưa.
Thế nhưng vẫn chưa đủ. Cây chà là mà bóng hình của nó ngày xưa hay chập chờn hiện lên nửa mơ nửa thực trong cặp mắt của lữ hành sa mạc, cần phải được tôn vinh. Người Dubai có cách tôn vinh của họ. Họ xây những hòn đảo nhân tạo nằm sát bờ biển có hình của cây chà là và xây dựng những ốc đảo sang trọng và mát mẻ ở trên đó. Cách đây sáu năm, lúc mới vạch kế hoạch, chưa ai tin những dự án táo bạo này sẽ thành công. Cuối năm 2007 dự án The Palm Jumeirah sẽ hoàn tất. Thêm hai “cây chà là trên biển” nữa đang được xây dựng, The Palm Jebel Ali và The Palm Deira, lần lượt hoàn thành trong năm 2008 và 2015. “Đô thị mới” Palm Deira sẽ là cây chà là lớn nhất, diện tích của nó lớn khoảng bằng thành phố Paris.

Một giấc mơ, một viễn kiến đang thành sự thực trên vùng Vịnh tưởng chừng như chỉ có chiến tranh. Khách ngỡ ngàng lái xe trên những con đường của hòn đảo nhân tạo Palm Jumeirah mà xung quanh là những căn biệt thự sang trọng đang đón gió biển. Những người thổ dân sa mạc Bedouin thật không tầm thường! Chỉ cần một chính sách đúng đắn, với một cơ may lịch sử, một tầm nhìn minh triết, một quốc gia thuộc loại lạc hậu nhất trên thế giới đã thực hiện những bước đi thần kỳ, làm giàu cho dân mình và cả cho dân xứ lạ. Khách nhớ đến những nhân viên người Việt mà mình đã gặp trong các khách sạn. Cũng như tất cả những người nhập cư khác từ châu Á, họ đều làm việc nặng nhọc nhưng nét mặt tỏa ra một nét tươi vui. Họ nhớ quê nhà biết bao nhưng vui vì được giúp đỡ gia đình. So với các nước giàu có khác, chỉ Dubai mới có cảnh tượng trong các siêu thị to lớn, rất nhiều người với màu da khác nhau xếp hàng trước quầy transfer để chuyển tiền về nước. Sau một tuần làm việc căng thẳng, họ đến đây để chuyển tiền về cho những người thân yêu, mắt họ sáng lên một niềm yên tâm. Khách vui theo với dòng người, sực nhớ mình đã đến thăm phần lớn quê hương họ, ngược đời thay, tất cả vốn là những ốc đảo bát ngát xanh tươi.

Trích- Đường Xa Nắng Mới.

Xem thêm: Cung cấp cà phê hạt, cung cấp máy rang cà phê

Posted by Leo