Giàu và Sang

Cà phê tối mùa Covid – Kể chuyện giàu chuyện làm người sang

Cà phê tối mùa Covid – Kể chuyện giàu chuyện làm người sang


Có thể bạn quan tâm: Nhân cách = 1/Lòng tham, Honda-con đường tìm lại cái tôi đã mất

Người giàu trong xã hội càng nhiều lên, nhưng người sang không tăng mấy. Ai sang thì chắc chắn đã giàu, còn người giàu thì chưa chắc có được sự sang, tức sự quý phái toát ra từ cốt cách và tâm hồn, không phải do quần áo, xe cộ, nước hoa, ăn uống, tiền bạc địa vị bằng cấp mang lại. Muốn sang, người ta phải tự nhận thức và thay đổi tư duy và hành động nhiều lắm.

Người SANG họ có tâm hồn thánh thiện nên thích ngồi đọc sách một mình bên 1 tách cà phê/trà/rượu vang nho nhỏ. Họ yêu thơ mến văn, yêu âm nhạc, hội hoạ, yêu thiên nhiên, yêu hoa và yêu con người, ưa du lịch và khám phá, luôn biết vừa đủ vật chất để nâng cao giá trị giải trí tinh thần, luôn có những nghĩa cử cao đẹp một cách âm thầm. Ai không lao động dù lành lặn, còn nhận tiền trợ cấp của người khác là không thể sang. Thơ văn xưa nay không ai ca ngợi các loại dây leo tầm gửi, mà người ta ca ngợi cây tùng, cây bách, cây thông. Hiên ngang và cô đơn giữa trời đất, vươn thẳng, chịu gió chịu tuyết chịu sương, chịu điều tiếng nhưng vẫn quý phái bình thản. “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Nguyễn Công Trứ).

Để làm được người sang thì đầu tiên phải là người tử tế. Muốn có tử tế, thì phải có một văn hoá lớn, một triết học rất sâu, một bản lĩnh lớn, đủ trình độ nhận thức và chiến thắng được cảm xúc, cảm tính của cá nhân, vượt qua lòng tham của người tầm thường. Mọi cảm xúc rồi sẽ qua, chỉ có hành động lúc cảm xúc là để lại hậu quả. Tôn trọng sự thật, logic, quý trọng người khác, thương yêu tha nhân như thân nhân…mới là đẳng cấp.

Ở nước Đức ngày xưa, có một tiều phu nọ rất nghèo, đi hái củi mỗi ngày. Đêm cuối năm, mùa đông lạnh tuyết trắng trời. Trên đường đi làm về nhà, ông thấy có một đứa trẻ đói lả nằm co quắp dưới một gốc thông. Ông mang về nhà, sưởi ấm, cho ăn uống. Sáng mai tỉnh dậy, không thấy đứa trẻ đâu, ông mở cửa ra tìm thì thấy một cây thông thật đẹp đặt trước cửa nhà, hôm đó là gần ngày giáng sinh. Có thể chú bé đã tỉnh dậy, đi tìm một cây thông đẹp tặng ông làm quà, hoặc Chúa trời (tức thượng đế tối cao theo tín ngưỡng của nhiều dân tộc) cải trang đứa bé để thử lòng nhân đức, tử tế trong đối xử với nhau của con người. Từ đó, cây thông Noel còn gọi là cây nhân đức, hoặc một số nước còn gọi là cây tử tế, thường được trang trí từ tháng 12 cho đến hết năm mới dương lịch.

Tháng 12, mùa giáng sinh, mùa nhân đức, mùa tử tế đang về….